Vươn lên phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi
Trong những năm qua, được sự tiếp sức, đồng hành từ nguồn vốn vay ưu đãi cùng sự thay đổi tư duy sản xuất, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 1500 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 5,8%, kết quả này là một sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả, ngoài sự nỗ lực của từng gia đình, các cấp chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Theo đó, nguồn vốn vay được người dân sử dụng có hiệu quả nhất chính là vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Sở dĩ, bà con nông dân yên tâm khi vay vốn từ NHCSXH là vì lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ gốc và lãi khá dài, từ đó, tạo tâm lý thoải mái để phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất, giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Anh Trần Văn Hòa- thôn Tân Thắng, xã Ea Na được tiếp cận và vay nguồn vốn ưu đãi ngân hàng CSXH từ năm 2000 để đầu tư trồng chăm sóc cà phê. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó và sử dụng vốn đúng mục đích nên kinh tế gia đình ngày một phát triển. Đến nay gia đình anh có 1,2 ha cà phê trồng xen tiêu, sầu riêng. Bên cạnh đó, từ vốn vay giải quyết việc làm 50 triệu đồng gia đình anh cũng mạnh dạn đầu tư phát triển thêm mô hình nuôi dê Bách Thảo. Ban đầu gia đình nuôi 2 cặp dê, sau đó nhân giống đến nay phát triển tổng đàn lên 65 con. Hiện gia đình anh đang bán dê giống 1 cặp với giá 8 triệu đồng và dê thị bán theo giá thị trương 100.000 đồng/kg. Tổng thu nhập của gia đình một năm lên đến 300 triệu đồng.
Anh Trần Văn Hòa chia sẻ: “Đa số người nông dân ở đây đều được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế tăng thu nhập, gia đình tôi được vay vốn giải quyết việc làm, tôi mạnh dạn phát triển mô hình nuôi dê, tận dụng thời gian nhàn rỗi và nguồn thức ăn sẵn có trong vườn như bơ, keo, sầu riêng, mít nên đỡ tốn kém chi phí thức ăn cho dê. Đây là một mô hình dễ làm và rất hiệu quả. Nhờ đàn dê mà gia đình tôi có thể lấy ngắn nuôi dài”.
Đoàn Ngân hàng CSXH huyện thăm mô hình nuôi dê của anh Trần Văn Hòa- thôn Tân Thắng, xã Ea Na
Hay như anh Nguyễn Hồng Nguyên, thôn 2, thị trấn Buôn Trấp cũng được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng CSXH từ năm 2005, anh đã đầu tư vốn vào trồng 1,2 ha cà phê xen tiêu, sầu riêng, trong đó có 1.100 gốc cà phê, 800 trụ tiêu, 100 cây sầu riêng, 200 cây cau, bên cạnh đó nuôi thêm dê mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập các loại cây trồng trên gia đình anh đã có kinh tế ổn định, gia đình anh thoát nghèo vào năm 2017. Đến nay, gia đình đã có được nhà cửa khâng trang, nuôi con học hành trưởng thành. Anh Nguyễn Hồng Nguyên chia sẻ: Tôi được tiếp cận nguôn vốn Ngân hàng CSXH năm 2005, nguồn vốn tuy không được nhiều nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn về chi phí đầu tư đối với người nông dân chúng tôi, đặc biệt là hộ nghèo. Tôi mong muốn, trong thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để những người dân có nguồn vốn vươn lên phát triển kinh tế, mong muốn ngân hàng CSXH tăng thêm nguồn vốn vay để đáp ứng nhu cầu về vốn của nhân dân”.
Mô hình xen canh cà phê, sầu riêng và cây câu của anh Nguyễn Hồng Nguyên, thôn 2, thị trấn Buôn Trấp
Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả nguồn vốn mà NHCSXH huyện triển khai cho người dân trên địa bàn xã, chị Mai Thị Hằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na cho biết: “Các hộ nghèo chỉ có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH vì đa số các hộ nghèo không có tài sản thế chấp. Người dân được vay qua Hội Phụ nữ hoặc Hội Nông dân xã chủ yếu để nuôi heo, dê, bò, trồng rẫy, trồng màu, buôn bán nhỏ... Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vay mà nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình”.
Ngân hàng CSXH huyện giao dịch tại xã Ea Bông
Trong năm 2022 Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện triển khai, thực hiện các hoạt động công tác tín dụng chính sách theo đúng chủ trương, chính sách: Tổng nguồn vốn là 363.190 triệu đồng tăng 36.177 triệu so với năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng 11,06%; Nguồn vốn huy động: 31.575/32.343 triệu đồng, tăng 1.683 triệu đồng so với 2021, đạt 97,6% kế hoạch; Tổng dư nợ đến tổng dư nợ đến tháng 10/2022 là 358.450 triệu đồng, đạt 98,7% kế hoạch giao năm 2022, dư nợ trong hạn là 356.067 triệu đồng, chiếm: 99,73% tổng dư nợ…Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Nhân dân trên địa bàn huyện đã tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất thấp để đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, trong năm đã giải ngân cho 2.000 lượt hộ vay vốn với số tiền gần 92 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 450 lao động, xây dựng và sửa chữa gần 440 công trình NS&VSMT. Qua đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Có thể thấy, với việc triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các chương trình tín dụng, NHCSXH đã đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng trên địa bàn huyện. Đó được coi như “cần câu cá” tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, qua đó phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.