Hội LHPN huyện Krông ana làm tốt công tác ủy thác tín dụng chính sách
Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn huyện Krông Ana luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong triển khai, thực hiện hoạt động uỷ thác, đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với người nghèo, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp họ phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình Chị Trần Thị Như ở Buôn K62, xã Băng Ađrênh. Trước đây gia đình chị thuộc diện khó khăn của buôn, năm 2022 chị được Hội phụ nữ xã giới thiệu vay 90 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư mua 20 con dê về nuôi, gia đình đối ứng thêm 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Với bản tính chịu thương, chịu khó, ham học hỏi nên khi Hội phụ nữ xã mở các lớp tập huấn các kiến thức cơ bản về sản xuất chăn nuôi, chị Như đều đăng ký tham gia để học tập. Chị là hội viên phụ nữ tiên phong gương mẫu đi đầu về làm ăn kinh tế vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, hiện nay mô hình trang trại chăn nuôi dê của gia đình chị có 200 con, thu nhập từ chăn nuôi mang lại cho gia đình chị từ 200 - 250 triệu đồng/năm.
Chuồng trại dê của chị Trần Thị Như ở Buôn K62, xã Băng Ađrênh
Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách, Hội LHPN các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chú trọng công tác bình xét đối tượng cho vay tại các tổ tiết kiệm và vay vốn; giám sát quá trình sử dụng vốn vay và đôn đốc người vay trả nợ gốc, lãi đúng thời hạn; đồng thời tuyên truyền vận động chị em, hội viên gửi tiết kiệm vào tổ TK&VV. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động ủy thác của xã ngày càng nâng lên, ý thức thực hiện của các tổ TK&VV đã đi vào hoạt động đúng hướng chỉ đạo, tích cực trong công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn ngày càng cao, tỷ lệ nợ quá hạn ngày càng giảm, thu nộp lãi đầy đủ, đúng thời gian quy định”.
Tính đến nay, Hội LHPN huyện đang quản lý trên 125 tỷ đồng, cho 3.373 phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, đã giúp đỡ 585/2769 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, đạt tỷ lệ 21,12% (trong đó có 280/585 chị là người dân tộc thiểu số, chiếm 47,86), góp phần quan trọng giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 10,23% năm 2018 xuống còn 5,41% cuối năm 2022.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng chính sách xã hội, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được thực hiện và nhân rộng, giúp các chị em, hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các cấp Hội LHPN trong huyện thực sự là cánh tay nối dài để đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với đông đảo chị em hội viên, góp phần tạo động lực cho các chị vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội./.