Cập nhật lúc: 20/03/2022

Hiệu quả từ mô hình nuôi dúi tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana

Nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình, ngoài phát triển các cây trồng chủ lực của địa phương như lúa nước, cà phê, tiêu, hoa màu thì nhiều nông dân trên địa bàn xã Bình Hòa, huyện Krông Ana đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi dúi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thương, thôn 1, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana chủ yếu canh tác lúa nước, để có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, anh đã từng đầu tư nuôi nhiều loài vật nuôi khác nhưng không khả quan. Năm 2008, anh được biết đến mô hình nuôi dúi của anh Dương Văn Phương ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nhận thấy dúi là loại động vật dễ nuôi, ít công chăm sóc nên anh đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi dúi. Ngày mới nuôi, ngoài học hỏi từ mô hình, anh còn tìm hiểu thêm trên các kênh thông tin về nguồn thức ăn, cách phòng bệnh cho dúi để tích lũy kinh nghiệm. Dẫu vậy, trong quá trình nuôi, gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Thế nhưng nhận thấy nhu cầu thị trường của vật nuôi này đắt hàng, lợi nhuận cao, nên anh không bỏ cuộc mà tiếp tục “nuôi chí lớn”.

Anh Nguyễn Văn Thương (mặc áo thun màu xám) đang chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dúi

Anh Nguyễn Văn Thương chia sẻ: “Dúi là loại động vật gậm nhắm, thức ăn chủ yếu là tre, cỏ, bắp, sắn, khoai, mía đây đều là thức ăn có thể tự trồng, nên ít tốn kém chi phí. Nhưng do chưa năm được kỹ thuật nên dúi hay bị bệnh về đường tiêu hóa, bệnh viêm phổi, mà lại không có thuốc đặc trị riêng cho dúi nên ban đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn. Sau đó tôi lấy thuốc điều trị cho người áp dụng điều trị cho dúi thấy rất hiệu quả, trị dứt được các bệnh trên. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu và biết được dúi cũng rất ưa sống trong bóng tối, thoáng, mát nên tôi đã thiết kế những ô chuồng nhỏ kích thước khoảng 2,5m2, có áp kế theo dõi nhiệt độ chuồng và quạt hơi nước. Qua đó, dúi đã sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Ngoài ra, để đảm bảo các điều kiện nuôi theo quy định, anh đã chủ động xin chứng nhận đăng ký nuôi động vật hoang dã.”

Theo thời gian, tích lũy được kinh nghiệm, hiểu được đặc tính của dúi, gia đình anh Thương đã mạnh dạn tăng số lượng nuôi, ngoài nuôi dúi thương phẩm, còn nuôi dúi sinh sản. Đến nay, anh đã xây dựng khu vực chăn nuôi với tổng diện tích 100m2 với khoảng 400 con dúi nuôi gối nhau, mỗi năm anh xuất đi 3 đợt dúi thương phẩm tại các tỉnh miền trung, miền nam và các tỉnh lân cận với giá 650.000 - 800.000 đồng/kg. Đối với con dúi giống, anh bán 1 cặp từ 1.2- 1.3 triệu đồng. Do đó, mỗi năm thu nhập của gia đình từ nuôi dúi sau khi trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Thương kiểm tra sự phát triển của dúi

Anh Thương chia sẻ: “Thời gian sinh sản của dúi rất ngắn, giống dúi trước đây kể từ khi giao phối đến khi sinh sản là 45 ngày, còn giống bây giờ thường thời gian sinh sản kéo dài hơn chút là 47 - 48 ngày, thậm chí giống lai Thái Lan trên 60 ngày nó mới sinh sản. Khi dúi nuôi con được 45 ngày thì tách mẹ nuôi thành dúi thịt. Sau 3 tháng chăn nuôi có thể xuất bán được, mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 – 4 con vì vậy lợi nhuận kinh tế rất cao”

Ngoài nuôi dúi, anh còn canh tác lúa nước với diện tích 8 ha và 2 ha cà phê xen tiêu, mỗi năm thu nhập cũng trên 400 triệu đồng.

Anh Lê Đình Liễu ở thôn 1, xã Bình Hòa đang chia sẻ kỹ thuật chăm dúi sinh sản

Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh Thương còn luôn nhiệt tình trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu vừa đảm bảo nhu cầu đầu ra cho thị trường, vừa tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Đến nay toàn xã đã có trên 15 hộ phát triển mô hình này với tổng số ước khoảng 2.000 con dúi. Chẳng hạn như Anh Lê Đình Liễu ở thôn 1, xã Bình Hòa được anh Thương hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống, sau gần 2 năm nay chăm sóc anh đã có thêm thu nhập khá, đợt xuất bán gần nhất anh lãi 35 triệu đồng, hiện anh đang nuôi 100 con và tự nhân giống.

Hiệu quả của mô hình nuôi dúi có thể mở ra hướng mới trong chăn nuôi của người dân xã Bình Hòa. Anh Lê Đình Tú – Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “thời gian qua, Hội Nông dân xã đã triển khai, tập huấn, tham quan nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cho hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đã có nhiều mô hình nổi trội có quy mô lớn như mô hình lúa sạch, mô hình nuôi yến, mô hình chim trĩ và nuôi dúi… Đối với mô hình nuôi dúi, đây là mô hình rất hiệu quả, nông dân có thể tận dụng nông sản sẵn có tại địa phương, dúi thương phẩm và dúi sinh sẩn đều đem lại giá trị kinh tế cao. Nên trong thời gian tới, hội tiệp tục vận động hội viên tham gia vào mô hình nuôi dúi, tiến hành các thủ tục thành lập tổ hợp tác, liên kết chuỗi sản phẩm, tìm đầu ra ổn định, hướng tới thành lập hợp tác xã”.

H'Jim Hmok - H'Yi Êban
In Gửi Email
02623.637.106

02623.637.106