Cảnh giác trước những thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19
Dịch Covid-19 hiện đang là mối quan tâm sâu sắc của xã hội và mọi người dân bởi nó liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm, đời sống của mỗi gia đình. Bên cạnh những thông tin chính thức, chính thống, chính xác để nâng cao kiến thức, hiểu biết của mỗi người dân về dịch bệnh Covid-19, qua đó góp phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này, thì cũng có những thông tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Nhìn nhận ở góc độ xã hội, những thông tin sai lệch, thiếu kiểm duyệt thể hiện sự thiếu trách nhiệm xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì thông tin sai sự thật lại càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội, tạo tâm lý hoang mang trong cộng đồng, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, giám sát y tế tại cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Ở góc độ pháp lý, việc thông tin sai sự thật là hành vi trái pháp luật. Hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận thì tùy mức độ nặng có thể bị xử lý theo pháp luật.
Ngoài ra, khi đăng tải những thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh vô tình tạo thời cơ để các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm... nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 26-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh việc xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai sự thật, kể cả xử lý hình sự. Điều này thể hiện rõ thái độ kiên quyết xử lý đối với những cá nhân phát tán các thông tin sai sự thật, nhằm ngăn ngừa những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội.
Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh covid-19 gây ra, bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương và các ngành chức năng rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận thông tin cũng cần thể hiện trách nhiệm công dân, không tiếp tay cho hành vi đó bằng cách luôn bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực… Song song với đó phát huy tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe; thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền…