Cập nhật lúc: 12/03/2021

Dray Sáp hôm nay

Từ xuất phát điểm thấp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana đã năng động, sáng tạo tận dụng các nguồn lực vươn lên hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 

Nếu ai về Dray Sáp trong những ngày đầu năm mới sẽ thấy được sự đổi thay rõ nét của diện mạo nông thôn cũng như cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi chuẩn bị đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

 Xã Dray Sáp được tách ra từ xã Ea Na vào tháng 10-2003, có điểm xuất phát thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 38,7%, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Thế nhưng, sau gần 18 năm vùng đất nghèo khó ngày nào giờ đã hình thành nên những khu dân cư sầm uất; trường học, điện, nước sạch... được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thi công xây dựng sân hội trường thôn Đoàn Kết

Ông Nguyễn Thái Đô- thôn An Na, xã Dray Sáp cho biết: “Bản thân tôi cũng hiến đất và góp công tham gia xây dựng các con đường giao thông của thôn, xóm. Theo tôi suy nghĩ thì chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình rất thiết thực, giúp bà con nhân chúng tôi nang cao đời sống vật chất cũng như tinh thần”.

Nổi bật là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian qua, xã Dray Sáp chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Người dân đã mạnh dạn phát triển sản xuất theo mô hình mô hình kinh tế trang trại, liên doanh, liên kết hợp đồng sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; triển khai mô hình nông nghiệp sạch, bền vững để tăng thu nhập. Nhờ thế, mức thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/năm, tăng 27,2 triệu so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,38%.

Mô hình vườn ươm cây, rau giống của anh Lê Ngọc Đông Vũ, thôn Dray Sáp

        Điển hình như mô hình cam sành của gia đình anh Nguyễn Hoài Nam ở thôn Dray sáp với tổng diện tích 1,3 ha, hằng năm thu hoạch trên 40 tấn quả, trị giá tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lại 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hoài Nam- thôn Dray Sáp, huyện Krông Ana cho biết: “Qua nhiều năm canh tác, tôi cảm thấy đất trắng, đồi không phù hợp với  cây tiêu, cà phê nên tôi quyết định đầu tư vào trồng cây cam sành để làm, mấy năm nay thu hoạch cũng được từ 60 -70 tấn/ha, lời cao hơn cây tiêu, cà phê nhiều, thương lái thu mua tận vườn, không tốn công hái”.

Mô hình cam sành của ông Nguyễn Hoài Nam- thôn Dray Sáp

        Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, với xuất phát điểm thấp, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Dray Sáp đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy quy chế dân chủ và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động được nhiều nguồn lực để hoàn thiện 19 tiêu chí. Từ năm 2011 đến tháng 9-2020, giá trị nguồn lực đã huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt trên 424 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã nhựa hóa, bê tông hóa 42,7 km đường xã, thôn, buôn, ngõ, xóm; 100% số hộ trong xã được sử dụng điện thường xuyên và an toàn; có 23,7 km đường được lắp điện chiếu sáng...; 100% thôn, buôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn đảm bảo sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng dân cư. Đến tháng 9-2020, Dray Sáp đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, đáng mừng hơn là xã Dray Sáp đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

 

Trục đường chính của xã Dray Sáp

      Vốn có tiềm năng du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên, trong đó điểm nhấn là cụm thác Gia Long - Dray Nur, hiện xã Dray Sáp đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ, đẩy mạnh du lịch cộng đồng để thu hút du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực đóng góp một phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Khách tham quan du lịch tại cụm thác Gia Long – Dray Nur

Ông Hòa Quang Trịnh -Phó Chủ Tịch  UBND xã Dray Sáp, huyện Krông Ana cho biết: “Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân được hưởng lợi trong công tác xây dựng nông thôn mới thì người dân cơ bản đã nhận thức và chấp hành tốt trong công tác giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã giải phóng rất nhiều mặt bằng như tài sản, đất của người dân để làm các tuyến đường và một số công trình khác, người dân đã tích cực tham gia hưởng ứng, có những gia đình đẽ hiến đất và tài sản…”

Có thể thấy, chương trình xây dựng NTM đã mang đến diện mạo mới cho xã Dray Sáp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là thành quả hết sức phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nỗ lực, phấn đấu trong suốt hơn 10 năm qua.

In Gửi Email
02623.637.106

02623.637.106